10 điều Bạn cần có nếu muốn trở thành Kỹ sư cơ khí giỏi
27/08/22
Có lẽ trong chúng ta ai cũng biết đến các ngành kỹ thuật và sự thành công của những con người theo đuổi sự nghiệp kỹ thuật – các kỹ sư. Khi nhắc đến họ, chúng ta thường liên tưởng ngay đến đặc thù nghề nghiệp như mức lương khá so với mặt bằng chung, công việc đòi hỏi/yêu cầu kỹ năng thiết kế cũng như sự sáng tạo. Đứng đầu trong số các ngành nghề kỹ thuật là Kỹ thuật Cơ khí - là một lĩnh vực rộng lớn nhất, có lịch sử lâu đời nhất và luôn là một trong số những ngành nghề được xã hội ưa chuộng. Cùng Cơ Khí Trường An tìm hiểu nhé.
Bạn đọc hãy cùng Trường An điểm qua mười yếu tố được cho là cốt yếu để làm nên sự khác biệt:
1. Hãy yêu thích nghề nghiệp bạn đã chọn
Điều quan trọng nhất khi chọn một ngành nghề nào đó là sở thích và sự đam mê của chính bản thân bạn - đừng chỉ vì nghề nghiệp đó có mức thu nhập cao. Kỹ thuật Cơ khí là một ngành khó, đòi hỏi sự tâm huyết và cống hiến cũng như những kỹ năng nhất định trong khoa học và kinh tế kỹ thuật. Nếu không thực sự có đam mê, bạn sẽ dễ vấp phải sự nản lòng trong quá trình học tập. Hãy học Cơ khí với một thái độ tích cực, hướng tới cách tư duy giải quyết vấn đề, đôi khi sử dụng cảm tính và một chút trực giác của bản thân. Thái độ đó sẽ giúp bạn tiếp cận tri thức một cách hứng khởi, và tạo một khởi đầu tốt cho cả quá trình học tập cũng như công tác.
2. Toán và vật lý là người bạn đồng hành
Chú tâm vào toán và vật lý, nghiên cứu những ví dụ và bài tập được giảng một cách cẩn thận để hiểu rõ bản chất sự việc. Kỹ thuật Cơ khí là một ngành Vật lý ứng dụng, nên học viên không nên chỉ thuộc lòng các công thức mà không hiểu rõ nó. Học Kỹ thuật Cơ khí đòi hỏi một con mắt đánh giá và nhìn nhận các yếu tố trong thế giới vật lý thực. Và sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn không chỉ giỏi về kiến thức toán và vật lý, mà còn thích chú tâm và giải quyết các vấn đề trong những lĩnh vực này.
3. Biến lý thuyết thành thực tiễn.
Kỹ thuật Cơ khí giỏi nghĩa là một người hiểu được vấn đề kỹ thuật, chuyển nó thành một bài toán với các công thức cần thiết, giải bài toán đó và sử dụng kết quả để áp dụng vào thực tế. Thay vì chỉ học những công thức trong sách vở, hãy học những kỹ năng xây dựng một bài toán thực tế từ một vấn đề nào đó bạn cần giải quyết.
4. Luôn tìm tòi thực tiễn
Một người kỹ sư Cơ khí giỏi sẽ luôn sử dụng thời gian rảnh của mình để tìm tòi, sửa chữa những vật dụng xung quanh mình: xe, máy móc, hoặc các sản phẩm phức tạp khác... Điều này sẽ giúp tăng khả năng nhìn nhận vấn đề kỹ thuật, nâng cao kỹ năng đánh giá các hiện tượng vật lý của người kỹ sư, tránh việc chỉ tính toán đơn thuần trên giấy vở.
5. Xây dựng những kỹ năng cho bản thân.
Để trở thành một kỹ sư Cơ khí giỏi, bạn cần một kỹ năng biết nhận xét/đánh giá các chi tiết máy và cơ cấu, một nền tảng vật lý và toán học vững chắc, bên cạnh việc có một tấm bằng tốt từ một cơ sở đào tạo uy tín. Kỹ thuật cơ khí cũng cần sự sáng tạo và khả năng phân tích, để biến các ý tưởng của người kỹ sư thành những giải pháp khả dụng. Hãy xây dựng những kỹ năng cho bản thân mình dựa trên những yêu cầu đó.
6. Tìm một cơ sở đào tạo hợp lý.
Trên thế giới, tổ chức “QS World University Ranking” đã xây dựng danh sách những trường và cơ sở đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ khí, theo xếp hạng về học thuật, thương hiệu và mức độ ảnh hưởng đối với cộng đồng. Tại Việt Nam, bạn có thể tham khảo bảng xếp hạng các trường/cơ sở đào tạo tại trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, danh sách các trường Đại học trọng điểm Quốc gia cũng là một nguồn tham khảo đáng tin cậy.
Việc chọn một cơ sở đào tạo hợp lý sẽ tạo một bước khởi đầu vững chắc cho ngành nghề sau này của bạn.
7. Chọn một lĩnh vực chuyên môn phù hợp.
Một khi đã chọn được định hướng nghề nghiệp tương lai cho bản thân, bạn sẽ nhận thấy mình có rất nhiều lĩnh vực chuyên môn để lựa chọn đi sâu vào tìm hiểu, học tập và cập nhật xu hướng khoa học công nghệ về chuyên môn đó. Với những năm học cơ sở ngành, bạn sẽ được làm quen với các vấn đề nền tảng cho Kỹ thuật Cơ khí như cơ học kỹ thuật (bao gồm tĩnh học và động học), nhiệt động lực học, động lực học chất lỏng, sức bền vật liệu, cơ sở thiết kế máy và đồ họa. Sau khi đạt được những kiến thức cơ sở ngành, bạn có thể đi sâu vào một lĩnh vực phù hợp với bản thân.
Dưới đây là một số chuyên ngành được các bạn sinh viên chọn nhiều nhất, nằm trong lĩnh vực Kỹ thuật Cơ khí:
- Aerospace – Hàng không và Vũ trụ
- Automotive – Ô tô và máy tự động
- Biotechnology – Công nghệ sinh học
- Design and computer-aided design – Thiết kế sản phẩm
- Cybersecurity – An ninh mạng
- Energy – Kỹ thuật Năng lượng
- Human health – Quản lý nhân lực
- Manufacturing – Sản xuất
- Nanotechnology – Công nghệ nano
- Robotics – Robot và tự động hóa
Một số cơ sở đào tạo cấp bằng Cử nhân và Kỹ sư Kỹ thuật Cơ khí với các chuyên ngành như Công nghệ vật liệu, Kỹ thuật Nhiệt, Kỹ thuật Thủy khí, Công nghệ chế tạo, Thiết kế sản phẩm,... Học viên sẽ được đánh giá bằng các bài kiểm tra viết, các buổi thuyết trình, với đề tài cá nhân hoặc yêu cầu phải làm việc nhóm. Một số dự án liên kết với doanh nghiệp sản xuất có thể sẽ trả lương cho sinh viên khi tham gia vào nghiên cứu.
8. Theo đuổi chuyên môn lâu dài.
Theo đuổi những công việc chuyên môn sau khi tốt nghiệp Kỹ thuật Cơ khí bao gồm nghiên cứu, thiết kế, phát triển và sản xuất, kiểm tra các sản phẩm/thiết bị như động cơ, dụng cụ, máy móc... Bạn sẽ luôn tiếp xúc với máy móc, động cơ, và các sản phẩm kỹ thuật khác. Hãy xây dựng và theo đuổi một tầm nhìn xa hơn nếu bạn muốn trở thành quản lý, hoặc các cấp điều hành.
9. Cập nhật thông tin từ các tổ chức chuyên ngành khác.
Học viên Cơ khí cũng như các kỹ sư nên tìm hiểu, tham khảo các nguồn tài liệu và kiến thức từ các tổ chức chuyên ngành, bên cạnh các nhà sản xuất và cung cấp sản phẩm. Bạn sẽ tìm được các thông tin, dự án, thông số vật liệu và những yếu tố cần thiết trong suốt quá trình học tập cũng như nghề nghiệp sau này. Một số tổ chức nổi tiếng có thể kể đến như Hiệp hội Kỹ sư Cơ khí Mỹ (ASME), iCrank,...
10. Kỳ vọng một mức lương thỏa đáng.
Trang web PayScale tiết lộ mức lương mà kỹ sư Cơ khí thường nhận được, với trung bình 108.000 đô la Mỹ một năm. Tại Việt Nam, các bạn có thể tham khảo mức lương của ngành Cơ khí theo thông tin của các cơ sở tuyển dụng. Mức lương này phụ thuộc vị trí ứng tuyển, kinh nghiệm của ứng viên. Theo thống kê trên các trang web hỗ trợ tuyển dụng như careerbuilder vietnamworks vieclam24h , mywork, thì lương thông thường đối với các kỹ sư Cơ khí mới ra trường dao động khoảng 5.000.000 – 10.000.000 VNĐ. Đối với một số công ty/doanh nghiệp nước ngoài, mức lương có thể lên đến 15.000.000 – 20.000.000 VNĐ, tất nhiên là với yêu cầu có khả năng sử dụng ngoại ngữ để trao đổi trong công việc.
Sau một số năm kinh nghiệm, công việc Cơ khí sẽ liên quan đến nhiều dự án cải tiến hơn, yêu cầu thời gian xuống xưởng nhiều hơn. Khi đó, bạn sẽ không lo bản thân mình trở nên nhàm chán với công việc thiết kế, tính toán trên bản vẽ đơn thuần nữa.
(Sưu tầm)